Độ bóng - độ bóng trong sơn là gì?

ĐỘ BÓNG CỦA SƠN

A. ĐỊNH NGHĨA

Độ bóng là độ phản quang của bề mặt khi tiếp xúc với ánh sáng. Độ bóng được đo lường bằng cách dùng tia sáng chiếu vào bề mặt dưới một góc nghiêng so với góc thẳng 90o. Nếu như bề mặt khi tiếp xúc với ánh sáng có độ phản quang 90o thì tỉ lệ phản quang đạt được là 100%. Số phần trăm càng thấp thì độ bóng càng ít.
Hiện nay chưa có thang đo độ bóng theo một tiêu chuẩn thống nhất. Mỗi hãng sơn dùng mỗi dụng cụ đo độ bóng khác nhau để định nghĩa nó theo sản phẩm riêng của nhà máy. Vì thế độ bóng được phân loại theo con số trong phạm vi:
- Mờ (Flat):                                         1% - 9%
- Bóng mờ (Eggshell, satin):               10% - 25%
- Bóng nhẹ (Low sheen):                    26% - 40%
- Bán bóng (Semi-gloss):                     41% - 69%
- Bóng (Gloss):                                    70% - 89%
- Bóng cao (High gloss):                     > 90%


B. HIỂU VỀ ĐỘ BÓNG

Trong các thành phần của sơn và chất phủ thì chất liên kết giúp tạo nên độ bóng, còn sự hiện diện của chất rắn làm giảm độ bóng tùy theo tỉ lệ có trong sơn. Do đó nếu chất rắn được trộn vào càng nhiều thì càng làm cho sơn mờ đục hơn, đến một mức độ nào đó sẽ làm mất hẳn độ bóng. Ngoài ra kích thước và độ mịn của chất rắn cũng ảnh hưởng đến độ bóng. Nếu không chất rắn thì khi khô chất liên kết sẽ cho một màng sơn trong suốt và bóng láng, thường thấy ở một số véc-ni và chất phủ trong suốt.
Việc chọn độ bóng cao cho bề mặt hoàn thiện dựa trên nhiều yếu tố. Vì là độ phản quang nên chúng ta cần lưu ý đến độ nhẵn của bề mặt. Nếu như bề mặt không nhẵn mịn, dùng độ bóng cao sẽ làm lộ rõ những khiếm khuyết.

(Hàm lượng và độ mịn của chất rắn quyết định độ bóng của sơn)
C. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỘ BÓNG

Độ bóng ảnh hưởng đến độ bền của sơn. Độ bóng cao giúp cho việc chùi rửa dễ dàng, giảm độ bám dơ đặc biệt là những chất dầu mỡ hoặc mồ hôi, đồng thời giảm hơi ẩm tiếp xúc lên bề mặt. Ngoài ra độ bóng còn ảnh hưởng đến màu sắc. Nếu như cùng một màu, độ bóng sẽ làm tăng độ đậm và độ sáng so với sơn mờ.

D. HƯỚNG DẪN CHỌN ĐỘ BÓNG

1. Mờ (Flat): giảm lỗi hiện trên bề mặt, phù hợp cho các bề mặt gồ ghề, gai, hoặc tường có lỗ rỗng nhỏ. Giúp cho phần dặm vá dễ dàng hơn, rất phù hợp cho phòng khách, phòng ngủ người lớn, phòng tiêu khiển và đặc biệt cho trần nhà.

2. Bóng nhẹ (Low sheen, eggshell): giảm độ bám dơ trên bề mặt, dễ lau chùi, thích hợp cho phòng ăn, phòng làm việc.

3. Bán bóng (Semi-gloss): độ bóng cao hơn, dễ chùi rửa, giảm độ bám dơ. Rất thích hợp cho hành lang, cầu thang, nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ trẻ con.

4. Bóng cao (Gloss, high gloss): độ bóng khá cao, rất tốt cho chùi rửa thường xuyên. Giảm độ bám dầu mỡ hoặc những chất lỏng có màu như  rượu, nước sốt,... Rất thích hợp cho phòng tắm, nhà bếp, khung cửa sổ, cửa cái, bàn ghế. Giúp tăng độ bền của sơn.


Previous
Next Post »